Người đàn bà yếu đuối

Và rồi cuối cùng em cũng ra đi. Đôi guốc hồng ngày cưới và tà áo trắng tinh khôi bỏ lại. Em cứ để mặc cho tôi ở lại với những dằn vặt không bao giờ dứt.

 

Người đàn bà xinh đẹp ngoảnh đi lau những giọt nước mắt:

- Anh, đừng làm thế. Cô ấy đã ra đi rồi...


Tôi không biết đã hét vào mặt người đàn bà kia điều gì, chỉ biết ngay sau câu nói ấy, tôi nhận được một cái tát. Cái tát đủ đau để tôi quay lại hiện thực phũ phàng.

Em và tôi cùng tuổi Ngọ - cái tuổi rong ruổi và phiêu lãng. Người ta thường nói đàn ông tuổi Ngọ đa tình, còn đàn bà tuổi ấy thì đa đoan. Nếu hai người lấy nhau, chắc chắn sẽ  có một người cực khổ. Em là con gái một người cha điên nên mẹ tôi càng nhất mực phản đối. Mẹ sợ một ngày trái gió trở trời em phát bệnh và nguy hại nhất là nó có thể di truyền sang cháu bà.

Rồi, em có bầu. Cái bụng ngày một to cộng với những lời van xin chân thành của tôi, hai tháng sau em được mặc áo cưới.

Ngày cưới em hân hoan đi guốc hồng trong chiếc áo cưới tinh khôi may từ 1 năm trước. Em bảo:

- Dẫu cuộc đời đau khổ nhưng em sẽ bước những bước chân kiên cường đầy hy vọng để đi về phía anh.

Tôi trao cho em nụ hôn nồng cháy và niềm tin ngọt ngào về tương lai mịt mù phía trước.

Cưới nhau được hai tháng, em đổ bệnh và con gái của chúng ta cũng ra đi vĩnh viễn. Sau lần ấy, em tiều tụy đi nhiều. Em hay mê sảng và nói vu vơ mỗi đêm. Mẹ tôi cho rằng em đang có triệu chứng của bệnh điên.

Ít ngày sau, em gượng dậy đi làm trở lại. Em chăm lo cơm nước, nhà cửa một cách chu toàn. Chưa bao giờ em để mẹ tôi phàn nàn bất cứ điều gì cả.

Ngày mẹ tôi bị liệt nửa người, em tự nguyện xin nghỉ việc để tiện chăm sóc mẹ. Chẳng biết vì cớ gì, càng ngày mẹ tôi càng thương em. Mẹ nói tôi giống bố, có số đào hoa bay bướm. Còn em, lận đận cả đời vì chồng con.

Cũng từ ngày mất đi đứa con, em trở nên gầy guộc và tất bật hơn. Em già nua, hốc hác. Cũng càng ngày, tôi càng ý thức được khả năng và bản lĩnh của mình. Có đôi khi nhìn em, tôi đã băn khoăn rằng: “Ngày ấy tôi đã quá bồng bột khi cưới em?”.

Tôi phó mặc hết chuyện gia đình cho em để đi về một phương trời khác, thả sức rong ruổi, vẫy vùng. Hôm tôi đi, em rầu rĩ, cẩn thận dặn dò từng chút một về thời tiết, về công việc, về bia rượu...

Tôi ra đi và trở về với người đàn bà trẻ hơn em gần chục tuổi. Người đàn bà ấy có niềm kiêu hãnh của người phụ nữ đẹp được chinh phục, được săn đón. Người đàn bà có đôi má ửng hồng, đôi mắt ướt át, đôi chân dài bất tận và đôi môi đỏ mọng. Người đàn bà của phấn son và váy ngắn.

Tôi đã kể cho người đàn bà ấy về em, người vợ mà lúc ấy tôi sống bằng trách nhiệm nhiều hơn, người đang chăm sóc mẹ tôi. Cô ấy không hờn trách mà kiêu hãnh nói:

- Tội nghiệp chị ấy!

Một năm sau mẹ tôi ra đi trong thanh thản. Trước khi mất, mẹ còn dặn lại:

- Đừng để vợ con phải khổ thêm. Nó là người hiếm gặp.

Em đã khóc rất nhiều khi đưa tiễn mẹ, khóc nhiều hơn cả những người con gái mẹ mang nặng đẻ đau nuôi khôn lớn.

Sau đám ma mẹ, tôi ít về hẳn. Tôi đường hoàng đi với người đàn bà kia trên phố, bất chấp lời khinh miệt, bất chấp lời can ngăn. Chỉ những khi gặp khó khăn tôi mới trở về bên em. Em luôn làm dịu lại lòng tôi:

- Mọi chuyện rồi sẽ qua.

Thế nhưng, tôi vẫn đi và ít ngày trở lại. Lần cuối cùng tôi được nhìn thấy nụ cười của em là lần em bắt gặp tôi và người đàn bà ấy tay trong tay. Em bảo:

- Nếu tình cảm đã hết, em sẽ chúc phúc cho hai người.

Đôi guốc màu hồng và chiếc váy trắng tinh khôi không tì viết con lưu giữ lại giây phút kiêu hãnh của người đàn bà cả một đời yếu đuối. Giờ tôi mới biết rằng, mình đã mất em.

Kim Oanh